8/10 bài phỏng vấn về con đường dẫn đến thành công có câu trả lời là tham vọng. Tuy nhiên, bản thân định nghĩa của “tham vọng” lại thay đổi theo văn hóa, lứa tuổi, giới tính. Vậy tham vọng có quả thật là cửa ngõ của thành công hay không?

Tham vọng là gì?

Tham vọng có thể coi là sự mong muốn, là giấc mơ đạt được những thành tựu cho bản thân, cho dù phải đánh đổi bất kể thứ gì đi chăng nữa. Chính vì điều này mà nhiều người nhầm tưởng tham vọng là thứ thúc đẩy họ thực hiện các mục tiêu, dự định. Điều này không đúng. Mục tiêu là đích đến của cuộc hành trình chinh phục và phát triển bản thân, trong đó thành tựu là những cột mốc mà con người ta hướng đến. Nhưng với những người tham vọng, thành tựu là cách họ chứng minh giá trị bản thân cho những người xung quanh. Một khi không còn ai để tranh đấu thì sự tham vọng dường như không còn ý nghĩa gì nữa.

Nếu tham vọng không được nuôi dưỡng và định hướng một cách đúng đắn, nó sẽ trở thành rào chắn ngăn cản những người trẻ tiến đến thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy mình là một người tham vọng, bạn nên ghi nhớ 5 phản ứng phụ sau để luôn tự kiểm tra bản thân, xem tham vọng của mình có đang đi đúng hướng hay không.

Tham vọng khiến con người cố đạt được mục đích bằng mọi giá

Nếu bạn là người tham vọng, bạn thường cố gắng đạt được mục tiêu của mình một cách cực đoan. Bạn sẽ luôn đau đáu suy nghĩ về cách đạt được mục tiêu mà mình đã đặt ra. Những thứ không mang lại lợi ích cho bạn ngay lập tức đều trở nên vô nghĩa và vô dụng.

Có định hướng là tốt. Tuy nhiên với bối cảnh xã hội hiện tại, cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số, sự linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh xoay vần ngày càng trở nên quan trọng. Ví dụ, bạn đặt ra mục tiêu mua nhà vào tuổi 30. Nhưng đến thời điểm đó, giá nhà đất tăng cao ,mà bạn lại có cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh. Có lẽ việc không đạt được mục tiêu vào thời điểm này lại là lựa chọn đúng đắn.

Lùi một bước để tiến ba bước. Có những lúc trong giai đoạn phát triển sự nghiệp, bước chậm lại sẽ giúp bạn nhìn nhận sự việc, đường hướng dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó cách tư duy và giải quyết vấn đề cũng được cởi mở hơn.

Tham vọng khiến con người trở nên bi quan trước thất bại

Thất bại luôn là một phần của cuộc sống và sự nghiệp. Khi bắt đầu phát triển sự nghiệp riêng của bản thân, thất bại là cơ hội để học hỏi, để phát triển và quan trọng nhất là để tự đứng lên bằng chính đôi chân mình.

Tuy thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu bạn là người tham vọng, thì việc vực dậy từ thất bại có khi lại không đơn giản. Người tham vọng không coi thất bại là một bước lùi, mà là một bước chệch hướng khỏi mục tiêu, chạy lệch khỏi thành công. Tham vọng liên quan mật thiết đến cách mà một người nhìn nhận bản thân. Một thất bại trong sự nghiệp có thể khiến người tham vọng ngờ vực năng lực của chính mình.

Khi đối mặt với thất bại, bạn hãy nhớ lại mục tiêu sự nghiệp của mình. Nếu tham vọng đem đến cho bạn một giấc mơ về thành công, thì thất bại chỉ cho bạn con đường dẫn đến thành công. Bạn sẽ hiểu được cần làm gì để tiến về phía trước, cần thay đổi gì để phát triển.

Tham vọng khiến con người ích kỷ hơn

Tham vọng làm bạn tập trung vào mục tiêu riêng của bản thân, nhưng cũng khiến bạn quên mất lợi ích của những người xung quanh. Câu triết lý quen thuộc “muốn đi nhanh, đi một mình, muốn đi xa, đi cùng nhau” đã trở thành kim chỉ nam cho rất nhiều người trẻ khởi nghiệp vì tính thực tiễn của nó. Làm việc nhóm, cũng như hợp tác liên doanh nghiệp là một trong những kỹ năng cần thiết để hướng tới thành công. Quá chú trọng mục tiêu riêng có thể phá vỡ nhưng mối cộng tác quan trọng, gây hệ quả cho tương lai.

Nếu bạn ở vị trí quản lý, sự tham vọng của bạn có thể tạo ra những áp lực không đáng có lên cấp dưới. Trong công việc, những mục tiêu riêng của từng người và mục tiêu chung của cả nhóm cùng tồn tại song hành. Bạn không nên chỉ tập trung vào điểm đến của bản thân mà quên dung hoà các nhóm lợi khác. Sự nghiệp là một hành trình. Mục tiêu chỉ là những cột mốc, không phải cái đích cuối cùng. Đừng vì cố chạm vào một cột mốc mà quên đi vạch đích!

Tham vọng khiến con người chật vật xây dựng các mối quan hệ

Phát triển các mối quan hệ là điều cần thiết, song hành cùng phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ tập trung tạo liên hệ với những người mà bạn coi là hữu ích cho mục tiêu hiện tại của mình, bạn có thể bỏ qua một bộ phận lớn những quan hệ tiềm năng. Chưa kể, khi bạn tiếp cận một người chỉ vì những lợi ích họ đem đến, người ta có thể cảm thấy thiếu chân thành từ bạn. Một mối quan hệ bền vững cần được xây dựng từ niềm tin, sự tôn trọng, và được bền bỉ xây dựng theo thời gian.

Cơ hội đến với bạn một cách ngẫu nhiên. Coi trọng một mối quan hệ dựa trên tính ứng dụng của nó, bạn đang tự giới hạn những cơ hội của bản thân. Tham vọng là ngọn lửa cho thành công. Tham vọng giúp bạn nuôi dưỡng nhiệt huyết cho công việc. Nhưng bạn nên kiểm soát ngọn lửa này ở mức hỗ trợ cho sự nghiệp, đừng để nó trở thành “bức tường lửa” gây trở ngại để tiến đến mục tiêu của mình.

Tham vọng khiến con người quên mất mục tiêu chính của mình

Người tham vọng luôn hết sức tập trung vào mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, sẽ đến một lúc, bạn cần phải dừng lại và xem xét mục tiêu của bản thân. Lời nhắc nhở về vạch đích sự nghiệp sẽ luôn giúp bạn định hướng cho quãng đường phát triển. Có mục tiêu rõ ràng là điều cần thiết. Nhưng “cắm đầu cắm cổ” thực hiện một mục tiêu đặt sẵn, mà không biết vị trí của nó trong bức tranh sự nghiệp tổng thể có thể khiến bạn lạc đường.

Nếu chẳng may đi chệch hướng, đừng quên rằng bạn được quyền sai, được quyền quay lại. Vừa phát triển vừa xem xét bản thân là cách tốt nhất để dẫn bạn đến vạch đích mong muốn. Mỗi khi đặt ra một mục tiêu mới, đừng quên kiểm chứng vị trí của cột mốc này trên bản đồ sự nghiệp. Hãy trả lời những câu hỏi “đạt được thành tựu này để làm gì?”, “tại sao phải làm điều này?”, và “làm như thế nào?”.