Mục tiêu nghề nghiệp là điều đầu tiên nhà tuyển dụng đọc được từ CV của bạn. Việc trình bày hiệu quả mục tiêu nghề nghiệp không chỉ giới thiệu sơ bộ về kỹ năng chuyên ngành, mà còn giải thích về sự nghiệp mà bạn đang hướng tới.

Hãy chú ý nhiều hơn vào viết mục tiêu nghề nghiệp nếu bạn là:

  • Học sinh, sinh viên mới ra trường, vẫn còn ít kinh nghiệm làm việc và đang tìm kiếm những công việc đầu tiên cho bản thân.
  • Một người chuyển ngành tay ngang, chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề mới.

Những điểm cần lưu ý khi viết mục tiêu nghề nghiệp

  • Đừng nhầm lẫn giữa mục tiêu nghề nghiệp và triết lý sống. Mục tiêu nghề nghiệp là sự kết hợp giữa phát triển sự nghiệp bản thân và khả năng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
  • Hãy bắt đầu bằng 2 -3 kỹ năng của bạn, rồi mục tiêu phấn đấu, và những gì bạn có thể cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
  • Chắc chắn không thừa nếu bạn nêu lại vị trí ứng tuyểntên công ty ứng tuyển.
  • Cố gắng viết mục tiêu sự nghiệp trong khoảng 40 đến 60 từ thôi. Hãy nhớ KISS = Keep It Short & Simple (viết ngắn gọn, súc tích).
  • Mục tiêu nghề nghiệp không phải để giới thiệu bản thân, hãy tập trung mọi thứ vào mục tiêu của bạn.
  • Hãy dựa vào những từ khoá trong bảng mô tả công việc để viết mục tiêu nghề nghiệp.

Những ví dụ điển hình về mục tiêu nghề nghiệp trong CV

Mục tiêu nghề nghiệp nên được viết riêng cho từng mô tả công việc cụ thể. Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra ngay nếu bạn viết mục tiêu nghề nghiệp đại trà cho mọi công việc. Để viết mục tiêu nghề nghiệp hiệu quả nhất, bạn nên viết cuối cùng, sau khi CV đã hoàn thành.

Ví dụ 1

Dưới đây là mô tả công việc của một vị trí Nhân viên Marketing cho ứng viên vừa ra trường

Như trong bảng mô tả công việc này, bạn có thể thấy những từ khoá thuộc về 3 mảng chính:

  • Lập kế hoạch marketing (thị trường, đối thủ và phân khúc khách hàng thuộc khâu chuẩn bị cho kế hoạch marketing).
  • Phân tích dữ liệu về khách hàng và sản phẩm.
  • Điều phối, hợp tác giữa các đội.

Vậy phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV sẽ phải viết về một kỹ năng chuyên ngành, một kỹ năng cứng và một kỹ năng mềm:

Mong muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Marketing của công ty A để áp dụng những kiến thức lên chiến lược marketing từ giảng đường vào thực tiễn. Đồng thời, có cơ hội rèn dũa kỹ năng mềm trong hợp tác làm việc với các ban ngành, cũng như kỹ năng phân tích, tối ưu dữ liệu.

Ví dụ 2

Dưới đây là mô tả công việc của một vị trí Nhân viên Văn thư của một ngân hàng

Trong bảng mô tả công việc này, bạn có thể thấy các từ khoá thuộc 3 mảng:

  • Tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, văn bản trong và ngoài cơ quan
  • Sắp xếp và lưu trữ bản cứng và mềm của hồ sơ
  • Hỗ trợ thủ tục hành chính, pháp lý như công chứng
  • Điểm đặc biệt là đây là công việc của một ngân hàng

Mục tiêu nghề nghiệp trong CV có thể viết như sau:

Với mong muốn học tập và thực hành nghiệp vụ ngân hàng, ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Văn thư của ngân hàng A là cơ hội để phát huy khả năng sắp xếp, quản lý dữ liệu hiệu quả của bản thân. Ngoài ra, những kỹ năng mềm trong giao tiếp và hợp tác sẽ giúp tôi hoàn thành tốt và phát triển nghiệp vụ.

Kết luận

Để viết một đoạn mục tiêu nghề nghiệp phù hợp, bạn cần có thời gian đọc mô tả công việc, lọc từ khoá và tìm hiểu về công việc cũng như công ty mà mình đang ứng tuyển. Hãy cố gẵng viết mục tiêu nghề nghiệp cho từng vị trí riêng, đơn giản vì mỗi vị trí và công ty sẽ coi trọng những giá trị riêng.