Với sự phát triển của công nghệ thông tin kỹ thuật số, các công ty thu thập được những kho dữ liệu khổng lồ, dùng để tìm hiểu thêm về khách hàng, phát triển chiến thuật tương lai, hoặc đơn giản là hiểu về thế mạnh cũng như điểm yếu của bản thân ngay thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để biến dữ liệu thành thông tin là một thử thách không hề nhỏ. Chính vì vậy mà nghề Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst) ra đời.

Chuyên viên phân tích dữ liệu là ai?

Dữ liệu là một mớ hỗn độn được thu thập từ nhiều nguồn, không có trật tự và quy củ. Dữ liệu cũng được cung cấp từ nhiều bên, dưới nhiều định dạng khác nhau. Bạn có thể hiểu nôm na dữ liệu thu từ bên A là hình tròn, từ bên B là hình tam giác, và nhiệm vụ của chuyên viên phân tích dữ liệu là biến chúng thành hình vuông để phù hợp với công ty mình.

Cho dù làm việc trong ngành nào đi nữa, một chuyên viên phân tích dữ liệu thông thường sẽ tham gia vào những khâu như xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu, xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin chi tiết về dữ liệu. Từ những kiến thức này, chuyên viên phân tích dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp củng cố vị thế hiện tại, cũng như quyết định chiến lược và hướng đi của mình trong tương lai.

Mô tả công việc chuyên viên phân tích dữ liệu

Những nhiệm vụ chính của chuyên viên phân tích dữ liệu gồm có:

Thu thập dữ liệu

Đây là một trong những nhiệm vụ đầu tiên khi người ta nghĩ đến chuyên viên phân tích dữ liệu. Dữ liệu có thể được thu thập từ các phòng ban, từ các bên liên quan hoặc từ internet. Tuy nhiên, nhiệm vụ này còn tuỳ vào công ty, vị trí và khối lượng công việc cụ thể. Nếu bạn là chuyên viên phân tích dữ liệu, nhiều khi công ty bạn sẽ có một người chuyên cung cấp dữ liệu.

Dọn dẹp dữ liệu

Phần lớn nguồn dữ liệu bạn nhận được sẽ bao gồm cả những dữ liệu sai và dữ liệu không cần thiết. Dọn dẹp dữ liệu là một trong những bước đầu tiên trước khi phân tích, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đầu ra. Nhiệm vụ này còn giúp chuyên viên phân tích dữ liệu hiểu cụ thể hơn về nguồn dữ liệu mà mình nhận được.

Xử lý dữ liệu

Đây là nhiệm vụ chính của chuyên viên phân tích dữ liệu. Búi dữ liệu sẽ được dọn dẹp, phân tích và biến thành thông tin hữu ích mà các bên liên quan có thể sử dụng.

Nhận diện chu trình tuần hoàn của dữ liệu

Qua phân tích và ứng dụng đầu óc tư duy logic, chuyên viên phân tích dữ liệu có thể nhận diện chu trình tuần hoàn của dữ liệu. Đây là bước tiền đề để minh hoạ dữ liệu, từ đó tạo cơ sở để báo cáo cho các bên liên quan cũng như lập hệ thống phân tích dữ liệu cho tương lai.

Tạo báo cáo về thông tin có được từ dữ liệu

Chuyên viên phân tích dữ liệu không chỉ có đầu óc logic nhạy bén, mà còn phải có khả năng giúp người khác hiểu được ý nghĩa và khuynh hướng phát triển của dữ liệu. Nhưng người sẽ đọc báo cáo này có thể thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau. Những báo cáo được tạo ra cần phải có tính minh hoạ, tính logic và tính thực tiễn.

Hợp tác với những thành viên khác để xây dựng cơ sở dữ liệu

Dữ liệu không chỉ đến từ một nguồn, chính vì vậy, chuyên viên phân tích dữ liệu cần phối hợp ăn ý với nhiều phòng ban cũng như đồng nghiệp. Chuyên viên phân tích dữ liệu cũng cần làm việc với kiến trúc sư dữ liệu (data architect) hay người phát triển dữ liệu (database developer).

Chuyên viên Phân tích dữ liệu cần có những kỹ năng gì?

Chuyên viên phân tích dữ cần ba nhóm kỹ năng chính:

Kỹ năng kỹ thuật

  • Minh hoạ dữ liệu Bạn không thể trở thành chuyên viên phân tích dữ liệu nếu không biết sử dụng ít nhất một công cụ minh hoạ dữ liệu, ví dụ như Power BI, Tableau.
  • Sử dụng ngôn ngữ truy vấn dữ liệu (SQL)
  • Lập trình không phải là kỹ năng bắt buộc, nhưng nó là kỹ năng đáng có đối với một chuyên viên phân tích dữ liệu. Bạn có thể thử với R Studio, hoặc Python.

Kỹ năng ứng dụng

  • Toán và số liệu chỉ chiếm khoảng 10% công việc, tuy nhiên, việc thành thạo trong toán và số liệu sẽ giúp bạn làm việc với dữ liệu một cách đơn giản hơn.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem-solving) là kỹ năng tối ưu đối với một chuyên viên phân tích dữ liệu vì đó là công việc chính của bạn. Công ty sẽ đưa ra cho bạn một câu hỏi và bạn sẽ phải trả lời bằng phân tích dữ liệu.
  • Microsoft Excel không phải là công cụ linh hoạt nhất khi nói đến các búi dữ liệu lớn, nhưng nó vẫn vô cùng hữu ích trong công việc.

Kỹ năng mềm

  • Kiến thức chuyên ngành chuyên viên phân tích dữ liệu thường sẽ làm việc với thông tin và trả lời câu hỏi của một ngành nghề cụ thể, ví dụ như marketing, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… Chính vì vậy, có kiến thức sâu rộng liên quan đến ngành nghề mà mình làm sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những dữ liệu mà mình đang cần phân tích.
  • Giao tiếp và thuyết trình chuyên viên phân tích dữ liệu cần có khả năng “kể chuyện” thông qua dữ liệu. Bạn sẽ phải đến gặp gỡ, trao đổi với nhiều ban ngành, trong và ngoài công ty để thu thập dữ liệu cũng như báo cáo về kết quả đã thu được từ dữ liệu. Nếu bạn không thể truyền đạt cho người khác hiểu được ý nghĩa đằng sau của dữ liệu thì những nỗ lực phân tích của bạn khó có đất ứng dụng.

Chuyên viên phân tích dữ liệu có những hướng phát triển nào?

Nghiên cứu thị trường

Đây là chuyên ngành mà phần lớn chuyên viên phân tích dữ liệu làm việc. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, một lượng lớn dữ liệu được thu thập hàng ngày hàng giờ, và những dữ liệu này cần được phân tích để ứng dụng.

Tài chính đầu tư

Những ngân hàng đầu tư lớn nhỏ luôn cần một đội ngũ phân tích dữ liệu hùng hậu. Đây cũng là điểm đỗ cho nhiều chuyên viên phân tích dữ liệu lão làng khi muốn thăng cấp quản lý.

Sales

Để hiểu về sản phẩm, dịch vụ, khách hàng cũng như đối thủ, chuyên viên phân tích dữ liệu vô cùng cần thiết với mọi ngành sales.