Với sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong những năm gần đây, tham gia các cuộc phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng anh ngày càng trở nên phổ thông. Vậy làm cách nào để vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hoá để ghi điểm với nhà tuyển dụng ngay từ cách giới thiệu về bản thân?
Những điều cần làm trước cuộc phỏng vấn
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi cuộc phỏng vấn là vô cùng cần thiết, cho dù phỏng vấn bằng thứ tiếng nào đi chăng nữa. Phỏng vấn tuyển dụng là một cuộc hội thoại mang tính chuyên nghiệp, chính vì vậy, ứng viên cũng phải thể hiển được sự am hiểu và nhiệt huyết của mình ngay từ giai đoạn hậu cần.
Tìm hiểu trước về công ty và người phỏng vấn
Có một thực tế là nhiều bạn đi tìm việc với tâm thế “giải truyền đơn”. Việc hiểu về công ty ứng tuyển tưởng đơn giản mà lại vô cùng phức tạp, nhất là khi bạn ứng tuyển cho quá nhiều vị trí cùng một lúc. Trước khi đến phỏng vấn, bạn hãy đọc về công ty, sản phẩm và dịch vụ. Với sự giúp sức của các kênh social media như Facebook, LinkedIn, bạn hoàn toàn có thể xem lý lịch trích ngang của người sẽ phỏng vấn mình. Từ những thông tin trên, bạn sẽ hình thành định hướng về cách thức và nội dung bản giới thiệu.
Soạn trước bản giới thiệu và luyện tập kỹ càng, nhuần nhuyễn
Bạn có thể luyện tập trước gương, hoặc cùng bạn bè. Luyện tập giúp bạn kiểm soát tốc độ nói, kiểm soát ngôn ngữ cơ thể, đồng thời học cách thể hiện sự tự tin, phong thái đĩnh đạc nhưng vẫn vô cùng thoải mái, thân thiện. Hãy cố gắng giới thiệu bản thân trong vòng hai phút.
“Tell me something about yourself” (Hãy nói cho tôi điều gì đó về bạn)
Đây là câu hỏi phổ biến trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng anh. Bạn có thể gặp nhiều biến thể của câu hỏi này, ví dụ như:
- “Walk me through your resume” (Hãy giới thiệu sơ lược về tiểu sử của bạn)
- “Tell me something that’s not on your resume” (Hãy nói cho tôi điều gì đó mà không có trong bản sơ yếu lý lịch của bạn)
- “Tell me something unique about you” (Hãy nói cho tôi một vài điểm đặc biệt về bạn)
Khi nghe những câu hỏi này, bạn hãy chuẩn bị tinh thần để giới thiệu bản thân. Bạn cần biết rằng, lúc này, nhà tuyển dụng đang cho bạn cơ hội để gây thiện cảm với họ. Hãy nhớ: “Tự tin, cởi mở, thân thiện, và chuyên nghiệp”.
Câu mở đầu cho bài giới thiệu
Câu mở đầu tuy không trực tiếp liên quan đến nội dung, nhưng nó sẽ thiết lập cảm tình tức thì với nhà tuyển dụng. Bạn có thể bắt đầu bằng cách gửi lời khen, lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng, tạo cảm giác chân thành, trân trọng và lịch thiệp cho người nghe.
Một số ví dụ như:
- ” First of all, I would like to thank you for giving me such opportunity to come and introduce myself” (Trước hết, em muốn gửi lời cảm ơn đến anh/chị vì đã cho em cơ hội để giới thiệu bản thân mình)
- ” First of all, I want to express my admiration for the company. I have followed many of your projects, such as X project, Y project, Z project” (Trước hết, em muốn thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đến quý công ty. Em đã theo dõi công ty mình qua rất nhiều dự án, ví dụ như dự án X, Y, Z)
- ”I want to show you my gratitude for giving me a chance to express my interest in your company” ( Em muốn cảm ơn quý công ty vì đã cho em cơ hội được thể hiện sự quan tâm của mình dành cho quý công ty)
Cấu trúc bài giới thiệu bản thân
Khi giới thiệu bản thân, bạn hãy trả lời ba câu hỏi:
- Bạn là ai?
- Điểm nổi bật trong sự nghiệp của bạn là gì?
- Tại sao bạn lại tham gia cuộc phỏng vấn này?**
Bạn là ai?
Bạn có thể bắt đầu giới thiệu bản thân bằng tên và vị trí / lĩnh vực làm việc hiện tại. Giới thiệu bằng 1-2 câu ngắn gọn với phong thái tự tin, đĩnh đạc. Bạn nên đi thẳng vào vấn đề một cách chuyên nghiệp, tự tin, đĩnh đạc, thay vì giới thiệu quá chi tiết vào tiểu sử, đời tư.
“My name is An Nguyen, but you can call me An. I am a Digital marketing specialist with 4 years of experience in performance marketing for Saas companies”
(Tên em là An Nguyễn, anh chị có thể gọi em là An. Em là chuyên viên Digital marketing với 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hiệu suất marketing cho các công ty giải pháp công nghệ)
Khi người phỏng vấn bằng tiếng anh, chưa chắc người phỏng vấn biết nên dùng tên hay họ để gọi bạn. Đồng thời, người phỏng vấn cũng có thể là người nước ngoài và không biết cách phát âm tên bạn. Nhấn mạnh tên gọi là một cách để giúp người phỏng vấn không ngại ngùng khi phát âm tên bạn.
Điểm đặc biệt trong sự nghiệp của bạn là gì?
Bạn đừng cho rằng nhà tuyển dụng đã đọc và nhớ hết các chi tiết trong CV của bạn. Bạn có thể nêu lại 2 -4 chi tiết nổi bật nhất trong sự nghiệp của mình.
“ I have spent the last five years developing my skills in Adobe Creative Cloud as a Graphic Designer for Metacite. During my work, I have completed 2 portfolios and 3 projects for the company. I had a chance to be in charge of a project, which was a success for Metacite.”
(Em đã dành 5 năm vừa qua phát triển những kỹ năng về Adobe, khi làm thiết kế đồ hoạ cho công ty Metacite. Trong quãng thời gian làm việc, em đã hoàn thành 2 danh mục và 3 dự án cho công ty. Em cũng có cơ hội để quản lý một dự án riêng.)
Tuy nhiên, bạn đừng cố gắng liệt kê những chi tiết hay dự án quá nhỏ trong khi giới thiệu bản thân. Khi tiến hành phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ từ từ hỏi bạn về những chi tiết này nếu cần. Điều quan trọng là bạn hiểu kỹ về mục tiêu của công ty , người phỏng vấn cũng như vị trí ứng tuyển để có thể chọn những dấu mốc sự nghiệp liên quan.
Tại sao bạn lại tham gia cuộc phỏng vấn này?
Câu trả lời đơn giản nhất đó là: Bạn tham gia vì vị trí ứng tuyển. Bạn có mặt ở cuộc phỏng vấn vì bạn là người phù hợp với vị trí này. Nhiệm vụ của bạn là thể hiện sự chuyên nghiệp nhưng đầy nhiệt huyết của mình với công việc.
” I love my position, my colleagues, and my job at Metacite. However, at this stage of my career, I want to challenge myself even more, I want to step out of my comfort zone to improve and develop myself. This position, which you are offering, excites me”.
(Em rất thích vị trí, đồng nghiệp và công việc của mình tại Metacite. Tuy nhiên, tại thời điểm này trên con đường phát triển sự nghiệp, em muốn có thêm nhiều thử thách cho bản thân. Em muốn bước ra khỏi “khu an toàn” để có thể phát triển bản thân. Em vô cùng hứng thú với vị trí này!)
Bạn tuyệt đối đừng nói xấu môi trường làm việc cũ, vì nó có thể khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm. Chưa kể, khi bạn nói xấu công việc cũ, người nghe có thể cảm thấy bạn quan tâm nhiều đến kiếm một công việc, thay vì đạt được công việc mơ ước.