Xuất thân từ thủ đô tuyết trắng Helsinki vào năm 2008, Slush chính là ví dụ điển hình trong việc ứng dụng Event marketing vào Business-to-Business (B2B). Với sự năng động và nhạy bén của mình, 5 chàng trai cô gái đến từ xứ sở ông già Noel Phần Lan - Kai Lemmetty, Ville Vesterinen, Helene Auramo, Peter Vesterbacka, Timo Airisto - đã biến Event marketing - một định nghĩa quá đỗi quen thuộc với dân trong ngành - thành một ý tưởng kinh doanh đình đám, tạo tiền đề cho một thời đại Start-up và công nghệ mới cho toàn thế giới.

1. Slush - Từ Helsinki ra địa cầu

Slush là một sự kiện thường niên ở Helsinki để kết nối start-up và nhà đầu tư, được sáng lập bởi đội ngũ anh tài với chuyên môn đào tạo trong nhiều lĩnh vực như quản trị kinh doanh, marketing, công nghệ và luật pháp - Kai Lemmetty, Ville Vesterinen, Helene Auramo, Peter Vesterbacka, Timo Airisto. Những nhà sáng lập này sau đều trở thành những nhà đầu tư, diễn giả nổi tiếng ở Phần Lan cũng như thế giới. Khi mới được thành lập vào năm 2008, ở event đầu tiên, Slush chỉ có vỏn vẹn khoảng 250 người tham gia với mục tiêu hướng tới những start-up trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, vào năm 2013, con số này đã tăng tới 7,000 người tham gia, 1,200 công ty đang phát triển và 120 công ty đầu tư. Năm 2019, trước đại dịch Covid, Slush đã có tới trên 25,000 người tham gia, 200 diễn giả, đồng thời mở rộng ra nhiều hoạt động khác như Pitching Contest - nơi mà các start-up mới hùng biện về ý tưởng của mình để chiến thắng giải thưởng trị giá 20,000 euro.

Sự kiện Slush Helsinki 2021

2. Event marketing - ý tưởng cốt lõi tạo nên sự thành công của Slush

Event marketing là gì?

Event marketing là một chiến lược quảng bá sản phẩm xưa như trái đất. Ở Việt Nam, trước khi biết đến từ “marketing" thì người ta đã biết đến “Sơn Đông mãi võ” để bán thuốc. Những hoạt động như vậy đều để ám chỉ event marketing với chiến lược quảng bá sản phẩm thông qua việc lên kế hoạch, tổ chức và thực hiện một hoặc hàng loạt chuỗi các sự kiện. Những sự kiện này có thể bao gồm từ 7 đến 10 người, hoặc có thể lên đến hàng ngàn người. Với một số sự kiện “đỉnh cao", ví dụ như ra mắt sản phẩm của Apple, con số này có thể lên đến hàng triệu người theo dõi, cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội cũng như công cụ digital vào hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, Event marketing giờ không còn giới hạn ở những sự kiện trực tiếp mà còn ở những sự kiện trực tuyến. Tất cả những sự kiện như hội nghị, triển lãm, hội thảo, khai trương, khánh thành, workshop v.v đều có thể tổ chức trực tuyến theo nhiều hình thức. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, mỗi hình thức sự kiện sẽ có điểm mạnh và điểm yếu, phù hợp với từng mục đích, đối tượng khác nhau.

Ứng dụng của Event marketing trong B2B

Với B2B, Event marketing có một vị thế quan trọng. Ngành nghề và sản phẩm B2B thường mang tính đặc thù cao, ít đại trà và dựa nhiều vào mối quan hệ người-người. Event marketing tạo ra những sân chơi chất lượng, môi trường giao dịch hiệu quả cho doanh nghiệp B2B. Những sự kiện như vậy không chỉ đem nhiều doanh nghiệp với những mối quan tâm chung lại với nhau, mà việc tham gia vào chuỗi sự kiện này còn tạo hình ảnh, bề thế cho thương hiệu; củng cố những mối quan hệ sẵn có; và tạo tiền đề cho nhiều quan hệ sau này. Khác với B2C, nhận diện thương hiệu của B2B thiên về chất lượng hơn số lượng, cần tạo uy tín hình ảnh hướng tới cả khách hàng hiện tại lẫn khách hàng tiềm năng.

Ứng dụng của Event marketing với startup

Với giới start-up - những doanh nghiệp trẻ, vừa và nhỏ, đang cần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, thiết lập quan hệ với cả những nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, Event marketing mang lại mối lợi to lớn mà không loại hình marketing nào khác có thể sánh được.
Theo LinkedIn (2021), 95% người làm marketing coi các event là nơi quan trọng để tạo mối quan hệ làm ăn; 65% người tham gia sự kiện nói họ có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm và thương hiệu; 70% người dùng tiếp tục sử dụng sản phẩm sau khi trải nghiệm sản phẩm thực tế tại các event; 84% người tham gia có thiện cảm hơn với sản phẩm và thương hiệu sau mỗi sự kiện. Event marketing mang lại tiếng nói cho start-up với những đặc tính riêng của loại hình quảng bá sản phẩm này. Một start-up năng động nên phối hợp giữa tham gia vào những sự kiện của bên thứ 3 cũng như tổ chức những sự kiện riêng cho bản thân. Sự kết hợp Event marketing với Content marketing và Digital marketing chính là lối đi đúng đắn cho nhận diện sản phẩm và thương hiệu.

3. Slush đã biến Event marketing thành ý tưởng kinh doanh như thế nào?

5 chàng trai cô gái - Kai Lemmetty, Ville Vesterinen, Helene Auramo, Peter Vesterbacka, Timo Airisto - đã vận dụng Event marketing một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn. Họ đã biến những tính chất của từng loại Event marketing đặc thù thành một chuỗi các sản phẩm, thay vì chỉ là những định nghĩa vô tri. Vào năm 2008, với sự ra đời của Slush, Event marketing không còn là định nghĩa bổ sung cho kinh doanh, mà Event marketing chính là hoạt động kinh doanh tiềm năng. Để làm được điều này, họ nắm chắc được điểm đặc biệt trong từng loại hình Event marketing.

Hội nghị là loại hình event marketing phù hợp với cả B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) và B2C (Business to Customers - doanh nghiệp tới khách hàng). Đây là loại event điển hình với chương trình cụ thể, năng động, cuốn hút, được đồng hành bởi nhiều diễn giả, thảo luận, để kết nối nhiều bên.

Bên cạnh đó, Triển lãm lại tập trung nhiều hơn về sản phẩm và ngành nghề cụ thể. Loại hình event marketing này mang lại nhiều đất diễn cho sản phẩm của các doanh nghiệp, hướng tới nhiều nhóm đối tượng, từ nhiều nhóm kín đến công chúng đại trà.

Hội thảo được sử dụng nhiều cho những nhóm nhỏ hơn, dành nhiều thời gian hơn cho giáo dục, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng sản phẩm. Những cuộc thảo luận này thường hướng tới những nhóm đối tượng cụ thể, ví dụ như kỹ sư, giáo viên v.v, với tính chất thân mật hơn.

Khai trương, khánh thành hiện giờ không chỉ đơn thuần là event marketing tập trung vào sản phẩm hay thương hiệu. Loạt sự kiện này còn giúp doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới khách hàng, khiến họ nhớ lại những cảm xúc, trải nghiệm tích cực trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Thay vì tập trung vào một sự kiện, Slush là một chuỗi các sự kiện, bao gồm: Hội nghị, Triển lãm, Hội thảo, Diễn đàn v.v. Slush đưa những diễn giả hàng đầu trong giới kinh doanh đến với công chúng, cùng thảo luận về nhiều chủ đề, từ phát triển cá nhân đến phát triển doanh nghiệp, từ công nghệ đến môi trường, từ tài chính đến marketing. Bên cạnh đó, Slush còn tạo đất diễn cho các startup vừa và nhỏ qua qua cuộc thi Slush 100 Pitch. Startup được thoả sức giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm mình cho cả nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng. Startup thắng cuộc còn có cơ hội nhận được giải thưởng tiền mặt lên đến $20,000.

Vào sự kiện năm nay 2022, Slush có sự tham gia của 4,200 start-up và 2,200 nhà đầu tư. Đây là cơ hội cho cả hai bên để tìm được mối quan hệ tiềm năng phát triển. Slush còn cung cấp công cụ Matchmaking tại sự kiện. Vào năm 2021, công cụ này đã kết nối thành công 10,829 cuộc gặp giữa startup và nhà đầu tư. Với thành tựu đáng kể như vậy, con số này được trông đợi sẽ còn lớn hơn tại Slush 2022.

Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng có nhiều event tiềm năng như Slush để kết nối start-up với nhà đầu tư, cũng như đưa start-up đến với công chúng. Những cái tên cần được kể đến như Slingshot, Techfest, Startup Grind v.v.

Kết

Slush là một ví dụ điển hình cho tiềm năng kinh tế của Event marketing - một hình thức quảng bá sản phẩm thương hiệu mang cả tính chất truyền thống lẫn hơi thở thời đại. Event marketing giờ không chỉ là một loại hình quảng cáo, nó đã trở thành một hoạt động kinh doanh tiềm năng. Riêng đối với startup, nếu bạn không làm event marketing thì đối thủ của bạn cũng sẽ làm. Vậy nên, hãy bắt đầu event marketing hôm nay!